Bệnh đạo ôn là một trong những bệnh hại lúa nguy hiểm, chủ yếu lây nhiễm qua không khí nên có thể gây bệnh trên diện rộng và có thể xuất hiện quanh năm. Trong quá trình canh tác, bà con luôn phải theo dõi các dấu hiệu và yếu tố gây bệnh để phòng trừ ngay từ sớm

Dấu hiệu nhận biết bệnh đạo ôn

Bệnh đạo ôn trên lúa (còn gọi là đạo ôn cổ bông, đạo ôn lá,…) do loài nấm Pyricularia oryzae gây ra. Bởi sự tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu, đạo ôn có thể gây hại gần như quanh năm tại nhiều tỉnh phía Nam, gây nhiều khó khăn cho bà con nông dân.

Các vết bệnh có thể xuất hiện trên nhiều bộ phận của lúa nhưng rõ rệt nhất là ở các vị trí sau:

  • Lá lúa: Ban đầu, vết bệnh xuất hiện dưới dạng những chấm nhỏ màu xanh ngả dần sang xám nhạt. Khi càng phát triển, vết bệnh cũng càng lớn hơn, có phần giữa mở rộng và hai phần đầu nhọn, ở tâm vết bệnh càng chuyển sang màu nâu sẫm đến xám tro, màu nhạt dần đến viền bệnh tiếp xúc với mô lành. 
  • Đốt thân: Các vết bệnh đạo ôn xuất hiện khiến phần đốt thân dần khô héo, nếu vị trí càng gần với phần gốc rễ sẽ dễ làm cây lúa bị đổ.
  • Cổ bông (gié): Vết bệnh ở cổ bông cũng có màu xanh dần chuyển sang nâu sẫm tương tự, nhưng nếu độ pH cao trên bề mặt sẽ có thêm một lớp nấm mốc màu xanh. Cây lúa sẽ không thể vận chuyển chất dinh dưỡng để nuôi bông, hạt,từ đó làm tăng tỷ lệ hạt lép. Thậm chí nếu bệnh xuất hiện sớm có thể khiến lúa bị lép hoàn toàn.
  • Hạt lúa: Nếu tình trạng bệnh lan rộng, hạt lúa sẽ xuất hiện những vết bệnh không rõ hình dạng nhưng vẫn có màu nâu xám đặc trưng. Các vết này có thể lan sâu vào trong vỏ trấu và hạt lúa. Đây chính là nguyên nhân đạo ôn sẽ trở thành mầm bệnh cho các vụ lúa sau.
Bệnh đạo ôn không được quản lý tốt sẽ gây thiệt hại năng suất trên diện rộng và cả vụ mùa sau

Những yếu tố thuận lợi làm bệnh đạo ôn phát triển

Để phòng trừ bệnh đạo ôn từ sớm, trước tiên bà con phải tìm hiểu nguyên nhân và những yếu tố giúp nấm mốc gây bệnh. Sau đó là áp dụng biện pháp thích hợp giúp đảm bảo năng suất cây trồng.

Sự tác động thời tiết 

Nước ta có khí hậu nhiệt đới phù hợp với sự sinh trưởng của lúa, nhưng đồng thời cũng là yếu tố giúp các bào tử nấm phát triển và xâm nhập vào cây. Cụ thể, điều kiện thuận lợi để bệnh đạo ôn phát triển như sau:

  • Nhiệt độ từ 20 – 30 độ C, biên độ nhiệt chênh lệch cao.
  • Độ ẩm không khí trên 80%.
  • Trời âm u, có sương và mưa phùn hoặc mưa rào về chiều tối, gió nhẹ.
  • Tình trạng ngập úng kéo dài.

Điều kiện phát triển có lợi cho nấm trùng với giai đoạn đẻ nhánh đến sau trỗ càng dễ gây thiệt hại nặng hơn, thậm chí khiến bà con mất trắng.

Sự cân đối dinh dưỡng 

Lúa trong giai đoạn phát triển mạnh rất cần được bổ sung dinh dưỡng. Tuy nhiên, bà con cần lưu ý bón đủ cần đi đôi với bón đúng. Nghĩa là cây lúa phải được bón cân đối các thành phần dinh dưỡng, không quá nhiều cũng không quá ít. 

Hầu như bà con đều đã biết phân đạm giữ vai trò quan trọng cho cây trồng phát triển. Nhưng nếu bón dư sẽ gây ra tình trạng dư lá, cây dễ đổ, giảm sức đề kháng tự nhiên, giảm khả năng hấp thụ những chất dinh dưỡng khác như kali, photpho, sắt, kẽm, silic, magie,… Những yếu tố này sẽ là cơ hội cho bệnh đạo ôn trên lúa phát triển và gây hại.

Lúa cần được bón đủ và cân đối để chống chọi tốt với các mầm bệnh
Lúa cần được bón đủ và cân đối để chống chọi tốt với các mầm bệnh

Yếu tố từ đất trồng

Đất là môi trường sinh trưởng và có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của cây lúa. Tuy nhiên, bệnh đạo ôn cũng có thể hình thành từ môi trường đất nếu gặp những điều kiện thuận lợi như:

  • Đất mới vỡ hoang.
  • Đất nhẹ không giữ nước tốt.
  • Đất thiếu nước, khô hạn.
  • Chân ruộng trũng, giàu mùn và thoát nước kém.
  • Đất nhiễm phèn chua, kim loại nặng như sắt, nhôm gây độc cho lúa.
  • Độ pH quá cao (trên 8) hoặc quá thấp (dưới 4) ảnh hưởng đến sự phát triển của rễ.
  • Đất trũng, ngập nước lâu ngày gây tình trạng bí, vừa thiếu oxy cho cây vừa tạo cơ hội cho bệnh đạo ôn trên lúa phát triển.

Chất lượng giống lúa 

Giống lúa chống chịu kém, không được sàng lọc kỹ, mầm bệnh có thể tồn tại ở trong lúa giống và dễ lây lan trở thành dịch đạo ôn. Khi gặp những điều kiện thuận lợi từ thời tiết, dinh dưỡng,… sẽ khiến bà con có nguy cơ mất trắng do khó có thể kiểm soát kịp thời. 

Ngoài ra, những giống lúa ngắn ngày đã được các nhà khoa học lai tạo, biến đổi gen để tăng sức kháng với bệnh đạo ôn. Nhưng nó chỉ có thể tồn tại trong một thời gian nhất định, vì bị giảm dần tính chất ưu thế lai qua các thế hệ sau.

Nên chọn giống lúa có sức kháng đạo ôn tốt
Nên chọn giống lúa có sức kháng đạo ôn tốt

Một số yếu tố liên quan khác

  • Mật độ gieo sạ quá dày làm ruộng khó thông thoáng, khiến bệnh phát triển mạnh. 
  • Nấm Pyricularia oryzae có thể tiết ra độc tố và nhiễm vào nguồn nước và gây bệnh cho lúa, đồng thời lây lan nhanh trên diện rộng.
  • Tình hình dịch bệnh tại địa phương, nhất là ở các ruộng trong khu vực lân cận. 

Giải pháp phòng trừ bệnh đạo ôn hiệu quả

Từ những thông tin trên có thể thấy nguyên nhân gây bệnh đạo ôn trên lúa phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Vì vậy, để phòng trừ sâu bệnh hại cây lúa hiệu quả bà con cần phải xây dựng kỹ thuật trồng lúa hợp lý, đồng thời lưu ý một vài điểm như sau để đảm bảo cây lúa được chăm sóc toàn diện.

Lưu ý kỹ thuật làm đất

  • Chuẩn bị, vệ sinh đất kỹ, bằng phẳng trước khi gieo sạ
  • Thu dọn, tiêu hủy sạch rơm rạ tàn dư.
  • Dọn cỏ, làm sạch bờ mương
  • Lật ngược, cày vùi chôn sâu gốc rạ kết hợp bón vôi ngăn chặn mầm bệnh phát triển.

Với giống lúa 

  • Chọn các giống lúa có đặc tính chống chịu tốt, kháng được bệnh đạo ôn như OM18, OM2517, IR50404, OM2514,…
  • Nếu giống bị nhiễm đạo ôn cần xử lý trước bằng cách ngâm ủ với nước nóng khoảng 54 độ C trong tầm 10 phút. Sau đó bà con để ráo nước, phun thuốc trị đạo ôn (như Rovral 50WP, Copper B-WP, Beam 75wp, Filia 525se, Fuan 40ec,…) rồi mới ủ giống.

Chăm sóc gieo cấy

  • Mật độ gieo, cấy vừa phải. Với giống lúa truyền thống khoảng 40 – 60kg/ha, một hốc nhiều hạt tầm 8 – 10 hạt với khoảng cách 40 x 40 cm. Còn giống lúa cải thiện có thể gieo 120 – 180 kg/ha nếu đất tốt, rạch hàng cách nhau khoảng 20 cm và lấp đất từ 3 – 5cm.
  • Bón phân cân đối giữa phân chuồng và NPK. Tập trung nặng đầu và nhẹ cuối. Chú ý không để dư đạm.

Khi lúa nhiễm bệnh đạo ôn

  • Thăm đồng thường xuyên để phát hiện kịp thời và theo dõi diễn biến của bệnh.
  • Điều chỉnh mực nước hợp lý tùy theo nhu cầu của cây lúa (khoảng 3 – 5cm), không để ruộng khô hạn.
  • Phun phòng (Beam 75wp, Filia 525se,…) trước khi lúa trỗ 5 – 7 ngày nếu nhận thấy dấu hiệu đạo ôn lá và cổ bông. Ngắt bỏ lá và tiêu hủy trước khi phun nếu ruộng bị đạo ôn nặng.
  • Khi gặp thời tiết thuận lợi cho bệnh phát triển như mưa phùn, độ ẩm cao,… cần phun nhắc lại 2, 3 lần cách nhau từ 5 – 7 ngày. Bốn tiếng sau phun nếu gặp mưa không cần phun lại.
  • Chú ý nguyên tắc dùng thuốc: đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng cách.
  • Không phối trộn thuốc với các loại phân bón tỷ lệ đạm cao.

Nếu thực hiện các biện pháp phòng trừ tốt, bà con có thể ngăn ngừa bệnh đạo ôn và đảm bảo năng suất thu hoạch

Phòng trừ bệnh đạo ôn trên lúa bằng máy bay không người lái

Việc kết hợp các biện pháp canh tác truyền thống và sử dụng thiết bị cơ giới hiện đại như máy bay phun thuốc DJI T40 có thể là một giải pháp hiệu quả để giảm ô nhiễm môi trường và tiết kiệm chi phí thuốc trừ sâu. Dưới đây là một số lợi ích và gợi ý:

  1. Hiệu Quả Cao: Máy bay phun thuốc có thể phun thuốc trừ sâu một cách đồng đều và hiệu quả lên diện tích lớn, giúp giảm lượng thuốc sử dụng so với việc phun bằng tay. Điều này không chỉ giảm chi phí mà còn giảm ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường.

  2. Tiết Kiệm Chi Phí: Việc sử dụng máy bay phun thuốc có thể giảm bớt chi phí lao động và thuốc trừ sâu so với việc phun bằng tay, đồng thời giảm nguy cơ quá mức sử dụng thuốc.

  3. Chính Xác và Linh Hoạt: Thiết bị cơ giới như máy bay phun thuốc có thể được điều chỉnh để phun chính xác theo liều lượng và khu vực cần thiết, giảm thiểu việc phun quá nhiều.

  4. Bảo Vệ Môi Trường: Sử dụng máy bay phun thuốc có thể giảm ô nhiễm môi trường, do việc ứng dụng chính xác liều lượng thuốc và tránh phun quá mức.

  5. Kết Hợp Cùng Biện Pháp Canh Tác Truyền Thống: Bà con có thể kết hợp việc sử dụng máy bay phun thuốc với các biện pháp canh tác truyền thống như luân phiên cây trồng, sử dụng phân bón hữu cơ, và duy trì sinh quyển để tăng cường khả năng chống chịu của cây trồng

 

 

 

Kết luận

Bệnh đạo ôn nếu không được phòng trừ sớm và hiệu quả rất dễ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất. Vì vậy, bà con cần nắm bắt những thông tin về tình hình dịch bệnh tại địa phương, thực hiện các biện pháp xử lý hiệu quả. Tại Airnano, chúng tôi cung cấp giải pháp phun thuốc bằng máy bay nông nghiệp công nghệ cao, cho hiệu suất phun vượt trội để bà con không còn lo ngại về bệnh dịch.

Thông tin liên hệ:
  • Địa chỉ trụ sở chính: 50 Nguyễn Hữu Thọ, Phường Xuân Phú, Thành phố Huế
  • Chi nhánh Kiên Giang: A15 - 22A Đường Số 5, Tp. Rạch Giá, Kiên Giang
  • Chi nhánh Đồng Nai: ĐT 765, Ấp Bể Bạc, Xã Xuân Đông, Cẩm Mỹ, Đồng Nai
  • Chi nhánh Sóc Trăng: 258 QL1A, Ấp Đại, Mỹ Xuyên, Sóc Trăng
  • Hotline: 0989.75.6688 - 091.555.8888
  • Website: https://airnano.vn/
  • Facebook: https://www.facebook.com/AirnanoMayBayNongNghiepVietNam
  • Email: contact@airnano.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *